Chuẩn bị cho người con lớn xây dựng gia đình, bà Nguyễn Thị Vân Anh nhà ở Phố Hàng Mít, Hà Nội quyết định nâng ngôi nhà nhỏ của mình thêm một tầng. Khổ nỗi, do ngôi nhà 3 tầng trên diện tích 35m2 đất của bà đã xây dựng gần nửa thế kỷ, phần móng cũ không được gia cố hiện đại nên các đội thợ hầu như “bó tay” vì sợ chồng thêm tầng ngôi nhà sẽ không chịu tải nổi. Loay hoay không biết làm sao khi ngày cưới con đã đến gần thì Linh, cô con gái lớn rụt rè đề xuất: “Con đã tìm hiểu kỹ trên mạng internet rồi, nhà mình chỉ có xây nhà bằng gạch AAC, cái loại gạch trắng tinh, mỏng hơn gạch đỏ, vừa nhẹ lại vừa chống nóng, chống ồn mẹ ạ…”.
Hôm nhà bà Vân Anh xây thêm phòng, cả ngõ nhỏ trên phố Hàm Long ai đi qua cũng ngạc nhiên. Gạch gì mà trông như miếng bọt biển, gõ vào kêu coong coong lại chỉ dầy có 8cm sau khi trát thì tường mới có gần 10cm mà nghe nói chống nóng bằng bức tường 40cm của gạch đỏ, vậy nó có đắt không? Đáp lại sự tò mò của hàng xóm, bà Vân Anh kể: Vẫn biết là sản phẩm mới, công nghệ cao, nhiều tác dụng nhưng mới nghe giá tiền cho từng mét khối tôi cũng hơi… giật mình. Tuy nhiên khi thợ kỹ thuật tính ra, mỗi mét vuông tường cả vữa xây trát chuyên dụng dày 10cm chưa tới 230 nghìn đồng thì rõ ràng rẻ hơn gạch đỏ rồi. Trước đó, có người tính với tôi là khu vực phố cổ, ngõ nhỏ, nếu dùng gạch đỏ loại tốt (1.500 đ/viên), cộng cả vữa, xi, trát, công bốc vác lên xuống… sẽ lên tới 250 nghìn đ/m2. Ưng nhất là chỉ có dùng gạch AAC nhẹ bằng 1/3 gạch đỏ và 2/3 gạch lỗ nên nhà tôi mới xây được”, Bà Vân Anh hồ hởi khoe.
Phóng viên BĐS&VLXD đã không ít lần theo chân các nhà phân phối, đại lý đi chào hàng gạch AAC trên thị trường Hà Nội. Gạch khó bán chứ không hẳn khó vào các công trình xây dựng, nhất là nhà dân. Với các nhà cung cấp như: Công Ty TNHH SAKO Việt Nam, Cty Việt Cường (Đống Đa), Cty TST (Thanh Xuân), Cty Vạn Thiên An (Cầu Giấy)… gạch AAC của các nhà sản xuất như: Hà Phương, SAKO Việt Nam, Sông Đà Cao Cường, An Thái… đã đến với rất nhiều các dự án lớn và đặc biệt người dân đã lựa chọn gạch này để xây dựng tổ ấm trăm năm của mình.
Theo ông Dương Ngô Tuyến – Tổng giám đốc Cty TNHH SAKO Việt Nam, một trong những nhà phân phối gạch AAC đầu tiên trên thị trường Hà Nội và TP.HCM thì: “Gạch AAC có những đặc tính ưu việt so với gạch đỏ truyền thống và các loại gạch bê tông cốt liệu nhưng không phải người dân nào cũng lựa chọn. Hiện nay, chỉ những khách hàng hiện đại và am hiểu về xây dựng mới chọn gạch này xây nhà để tận dụng triệt để các tính năng: Nhẹ, gọn, dễ thi công… và đặc biệt khi ở trong những ngôi nhà này thì đây là một thế giới riêng hoàn hảo. Từ đầu năm đến nay, Cty chúng tôi đã cung cấp gạch AAC cho hơn 150 gia đình ở Hà Nội để xây nhà”. Còn anh Nguyễn Văn Phú, nhà ở khu Tứ Kỳ, P.Hoàng Liệt, Q.Hoàng Mai mãn nguyện: “May mà tôi nghe mấy cậu KTS tư vấn dùng loại gạch AAC này. Nhà tôi 50m2 sàn, 4 tầng mà cả xây cả hoàn thiện chỉ hơn 3 tháng. Tổng mức đầu tư ngôi nhà chỉ tương đương gạch đỏ nhưng điều vợ chồng tôi tâm đắc nhất là tường mỏng nhưng cách âm cách nhiệt gần như hoàn toàn. Gạch nhẹ kết hợp cửa nhựa, đúng là “ở nhà Tây” bạn ạ”.
Rẻ hơn vật liệu truyền thống 5 – 10%
Không chỉ các công trình nhà dân, gạch AAC đã bắt đầu len những bước tiến vững vàng và chiếm lĩnh vị trí trong các dự án cao tầng. Các dự án lớn như: Times City của VinCom (đường Minh Khai), Indochina Plaza (đường Xuân Thuỷ), Tổ hợp nhà ở Văn phòng 671 Hoàng Hoa Thám… là những tổ hợp nhà cao tầng sử dụng gần như 100% gạch AAC làm vật liệu xây. Nói như ông Đỗ Quốc Thái – Tổng giám đốc Cty CP Đầu tư thương mại An Thái, DN gần đây nhất cho ra đời sản phẩm gạch AAC thương hiệu An Thái có giá bán thấp nhất thị trường hiện nay thì: “Không chỉ mình An Thái mà tôi nghĩ các DN sản xuất gạch AAC chúng tôi đều xác định sẽ bán những sản phẩm tốt nhất với giá cả cạnh tranh nhất so với các loại vật liệu xây khác. Một bài toán rất đơn giản, nếu chọn gạch đỏ với giá 1,3 – 1,7 nghìn đ/viên như trên thị trường thì rõ ràng hầu hết các sản phẩm gạch AAC đều rẻ hơn từ 5 – 10%. Đó là chưa kể đến đặc tính nhẹ khiến kết cấu công trình giảm từ 10% trở lên… chúng tôi tin, không sớm thì muộn các chủ đầu tư sẽ lựa chọn gạch nhẹ”.
Trả lời câu hỏi liệu đã có sự cạnh tranh cân sức trên thị trường giữa gạch AAC với gạch đỏ của Báo BĐS&VLXD, ông Phạm Văn Bắc – Phó Vụ trưởng Vụ VLXD (Bộ Xây dựng) cho biết: Rõ ràng trên thị trường đã có sự cạnh tranh giữa hai loại vật liệu này. Theo tôi, trong tương lai gạch đỏ vẫn có chỗ đứng trên thị trường. Tuy nhiên, sự vươn lên và dần chiếm lĩnh thị trường vật liệu xây của gạch không nung đặc biệt là gạch bê tông khí chưng áp là điều tất yếu. Ai cũng hiểu rõ tính năng, công dụng và hiệu quả lâu dài khi sử dụng gạch AAC. Mới đây nhất, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cũng đã có chỉ đạo về đẩy mạnh chương trình phát triển vật liệu xây không nung trong đó rất chú trọng đến gạch siêu nhẹ chưng áp. “Tôi tin trong tương lai gần, các nhà đầu tư, nhà thầu sẽ lựa chọn gạch nhẹ để tận dụng sự ưu việt của nó”, ông Bắc nói.
Còn đại diện các nhà sản xuất, ThS Kiều Văn Mát – Tổng giám đốc Cty CP Sông Đà Cao Cường kiêm Trưởng ban Vận động thành lập Hiệp hội AAC Việt Nam khẳng định: “Các nhà sản xuất chúng tôi đã hưởng ứng Quyết định 567/QĐ-TTg/2010 của Thủ tướng Chính phủ để sản xuất ra loại vật liệu tiên tiến này. Trong khi đợi Nhà nước ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức… Áp dụng gạch AAC trong xây dựng, chúng tôi cũng sẽ không ngừng đẩy mạnh chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh các chương trình bán hàng, hỗ trợ thi công… để gạch AAC thực sự là sự lựa chọn của mọi công trình xây dựng hiện đại trong tương lai”.
—————————————————————————————————
Tư vấn miễn phí 24/24: 0926 422 422 hoặc 0936 896 908
Vui lòng liên hệ: www.gachbetongnhe.vn – www.gachhaphuong.com
Tag: Có nên xây nhà bằng gạch siêu nhẹ; Giá gạch siêu nhẹ tại TP.HCM ; Gạch bê tông nhẹ xây nhà tốt không?